Món quà từ tương lai

Nếu một ngày có người nói với bạn rằng, họ là người từ tương lai đến. Bạn có tin không?

Liệu họ sẽ mang đến điều gì? Những kiến thức giá trị trong tương lai của nhân loại, hay là những rắc rối không giống ai mà bạn nghĩ cả đời này mình cũng không bao giờ gặp phải? Nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó, bạn sẽ xử lý chúng như thế nào đây? Những điều kỳ diệu luôn có ở khắp mọi nơi. Chỉ cần bạn có đủ niềm tin.
Các bạn có tin vào những chuyện thần kỳ không?

Tôi thì chẳng bao giờ tin vào mấy chuyện đó cả. Tôi không có thời gian.

Bốn giờ sáng, chuông báo thức kêu inh ỏi đồng nghĩa với việc nằm sấp lại mò mẫm ở gầm giường cái đồng hồ tôi ném vào đó tối qua để bắt đầu một ngày mới.

Chạy xuống lò bánh mỳ xếp từng hàng bánh dài còn nóng hổi và thơm mùi bơ vào những hộp xốp và đánh bạn với con Cub xanh lá rong ruổi khắp các nẻo đường để giao bánh.

-Hôm nay quầy 29 lấy thêm một trăm nha Rùa.

Ông tôi vừa cột dây chắc chắn cho thùng bánh phía sau vừa dặn. Tôi dạ ran và lên đường.

Nhà tôi là một tiệm bánh mỳ nhỏ ở phố Hoa Sữa. Đi đến đầu ngõ đã có thể ngửi thấy hương bơ và bột mỳ hoà lẫn vào nhau. Chỉ có hai ông cháu quần quật với hàng núi công việc của một lò bánh gia truyền thủ công. Tôi phải tranh thủ hơn một tiếng đồng hồ để giao bánh còn kịp đến lớp học thêm Toán.

Đợt này ông nhận thêm mấy mối, vì chúng tôi đang cần tiền. Năm nay tôi sẽ sang lớp mười hai, sắp thi đại học, ao ước từ bé của tôi là trở thành một kỹ sư công nghệ thực phẩm. Tiết kiệm những khoảng thời gian vui chơi thông thường để bù đắp cho ước mơ tương lai.

Giao bánh về, tôi thấy chú hàng xóm hớt hải chạy ra:

-Rùa ơi, ông gãy tay rồi!

Tôi vừa khóc vừa mếu hớt hải chạy vào viện, ông tôi ngồi đó với cái tay bó bột trắng xoá. Ông xoa đầu tôi:

-Khóc gì to thế, làm như ông chết không bằng.

Ông tôi là kiểu người lạc quan điển hình mà cả xã hội nên noi theo. Dù gặp bất cứ biến cố hay sự việc buồn thảm có bất ngờ đến mấy, ông vẫn có thể vui vẻ tiếp nhận. Ông luôn dạy tôi rằng không thể sợ chết đuối mà không xuống nước, quan trọng là mình phải tập bơi. Cũng như hôm nay có bị gãy tay ông vẫn cười ha ha bảo để dành phần bột bó cho tôi ghi nợ của khách.

-Lần sau dỡ bánh ra ông để chờ hai ông cháu về cùng làm. Cái khay nặng như thế…

Tôi chẳng biết nói gì khác, chỉ ngồi khóc một hồi. Người ta nói người già xương giòn dễ gãy lâu lành, hơn nữa ông tôi còn bị cao huyết áp, nên để nằm viện một hôm. Tôi đòi ở lại với ông nhưng ông xua về bảo có bác sỹ y tá đầy ra rồi, về sáng mai còn giao bánh cho mấy tiệm.



Đêm nằm thao thức mãi, vẫn còn thấy thương ông. Mai mới là thứ sáu ngày mười ba mà hôm nay đã gặp xui xẻo rồi. Tôi mở hé một ô cửa sổ, nhìn bầu trời đen kịt lác đác vài vì sao lẻ loi giống bản thân mình quá, vài giọt nước mắt lén lút xuất hiện rồi lại biến mất ngay. Từ giờ công việc sẽ nhiều gấp đôi, tôi phải cố gắng hơn mới được, đâu có rảnh ngồi khóc lóc.
…Rầm! Xoẻng xoẻng…

Tôi giật mình bò dậy. Sờ điện thoại xem mới có 3 giờ sáng. Không lẽ có trộm. Tôi khẽ run lên một chút sau đó từ từ trườn ra khỏi giường, đi lom khom ra cửa. Không gian im lặng sau đó lại nối tiếp mấy tiếng lục cục đổ vỡ nữa.

Tôi cầm cây chổi lên rồi mở cửa, tiếng động từ gác xép vẫn đang vọng ra, chắc chắn là có người. Với tay bật điện sau đó tôi xông vào và hét lên:

-Trộm, trộm trộm!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

Tên trộm đang vật lộn với đống đồ đạc trong căn phòng để đứng lên. Tôi trợn mắt lên nhìn chẳng nói được lời nào. Thôi xong đời tôi rồi, hắn to như một con voi. Nói điêu quá, như nửa con voi. Cuộc đời tôi chưa từng thấy người nào lại béo như hắn, cao tới gần hai mét lại thêm thân hình Su mô chính hiệu, hắn chỉ cần dậm chân một phát chắc sàn gác nhà tôi sụp xuống mất thôi. Bị thịt đồ sộ đó cuối cùng cũng đứng dậy được, đối mặt với trạng thái kinh hoàng của tôi, hắn chỉ phì phò được mấy chữ:

-Đừng, tôi không phải trộm!

Nói xong hắn hoảng hốt đưa tay lên ngang đầu cứ như sợ một cán chổi của tôi đập vào sẽ làm hắn ngất ra đó vậy. Hắn run rẩy nói.

-Tôi có thể giải thích một chút được không?

-Đương nhiên rồi!

Thiên thần hộ mệnh béo núc ních do đấng tối cao phái xuống phá hoại cái gác xép nhà tôi vào lúc nửa đêm có vài lời biện minh. Mà nếu hắn không trình bày cho ra trò thì bất chấp cái thân hình phì nhiêu đầy đe doạ đó, tôi cũng phải tống hắn ra khỏi đây bằng mọi giá.

-Trước hết cho tôi hỏi bây giờ là thời điểm nào?

-À, câu hỏi hay lắm!

Tôi giơ đồng hồ lên xem.

-Ba giờ năm phút sáng, thời điểm lý tưởng để tán gẫu, nhỉ?

Tên mập trông khá quẫn bách, hắn hít một hơi thật sâu sau đó dù nghe rất e dè, hắn hỏi tiếp:

-Ngày tháng năm bao nhiêu?

Tôi cố nhịn, cố nhịn. Trước giờ tôi vẫn là người làm chủ tình thế khá tốt mà. Lúc này nếu tôi có nổi điên đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được vấn đề gì cả. Từ nhà tôi ra đến đồn công an cũng không gần gụi gì, hơn nữa những lần trước đi qua đó vào buổi tối, tôi đều chỉ thấy bác trực ban già nua đang ngủ gà ngủ gật, kích thước của bác ấy có lẽ chỉ bằng một đùi trái của tên trộm này. Bây giờ gọi 113 hay đập cho tên này ngất đi rồi chạy ngay sang nhà hàng xóm kêu cứu đây.

-Ngày tháng năm nào vậy? Làm ơn điiiiiiiiiiiiiiiiii…….

Cái cách tên trộm kéo dài chữ điiiiii làm tôi tập trung hơn vào tình cảnh trước mắt. Không biết hắn còn định giở trò gì đây, tôi lạnh nhạt đáp:

-Mười ba tháng bảy năm hai ngàn không trăm mười hai.
Tôi nghe hắn thốt lên một tiếng sửng sốt sau đó cả thân hình phì nộn ngã vào đống đồ đạc phía sau loảng xoảng. Cái ghế học bài ông đóng cho tôi hồi cấp 1 gãy răng rắc khi bị trọng lượng dã man đè lên. Cái ghế đó tôi thích vô cùng, vẫn còn cố ngồi tới tận năm lớp chín, khi đã cao quá không thể ngồi học thoải mái trên ấy nữa mới phải miễn cưỡng mang cất đi. Vậy mà giờ nó đã thành một đống gỗ gãy nát tàn tạ. Tôi tức giận xông tới cào vào mặt hắn.

Tên Sumô đau khổ ôm mặt, hắn trợn trừng nhìn tôi, miệng mấp máy như ngàn vạn lời muốn nói, vậy mà cuối cùng chỉ phun ra một chữ:

-Hư…

Sau đó nước mắt bắt đàu tràn ra ướt đẫm gò má núng nính của hắn.

Tôi ngớ người, cơn giận cũng giảm nhiệt một nửa. Ai đời mới bị ma trảo của tôi cào một phát thôi mà đã khóc ngon lành như vậy cơ chứ. Bọn loai choai trong ngõ nhà tôi còn chịu được nửa giờ cào cấu, sao tên này yếu đuối thế. Hơn nữa bộ dáng hắn khóc phải nói là siêu xấu. tôi dừng tay không phải vì thương cho đứa trẻ tội nghiệp mà vì quá kinh hãi trước việc một em bé khổng lồ đang khóc như mưa như gió.

Nhìn lại hắn quả thật thảm thiết. Cỡ mà dân trong mấy khu tị nạn ở trên ti vi trông tình cảnh hắn hiện nay có khi cũng phải xót xa. Tóc tai rối bù, trán ướt đẫm mồ hôi, nước mắt nhoang nhoáng trên là dấu vết mười móng tay đỏ quạch, bụi từ gác xép lâu ngày không dọn khiến hắn trở thành một phiên bản thảm hoạ của Cậu bé lọ lem.

-Này, vừa phải nha!

Tôi đẩy hắn qua một bên, nhặt cái ghế đã nát vụn, rồi lại nhìn tên thủ phạm vẫn đang không ngừng rên rỉ mà quát lên:

-Có im lặng đi không hả? Đàn ông con trai kiểu gì á, bị cào một cái mà khóc như chết cha chết mẹ vậy à?

Hắn mếu máo nhìn tôi, sau đó khó nhọc đứng lên… chổng mông về phía tôi.

Tôi đang định giơ chân đạp vào cái mông to như cái mâm kia một cái thì giật mình vì thấy một đám đỏ lè ngay vị trí giữa mâm- dường như là máu.

Tôi bưng miệng kinh hoàng, sau đó không dám tin chỉ vào hắn:

-Cậu…cậu… là con gái á?

Bà ngoại ơi, phù hộ cho con. Đây là kiểu người gì vậy? Con gái Cyclos khổng lồ một mắt và quái vật hồ Lockness sao. Mà nó còn đang tới tháng. Trời, tôi ôm lấy một bên ngực, lảo đảo, có lẽ mình sắp đau tim mà chết rồi.

Sumô đau khổ nhìn tôi, lại càng khóc to hơn.

-Cái đinh đâm vào mông tôi. Oa oa oa……..

Tôi đánh liều nhìn kỹ hơn vào mông hắn. Cả đời tôi chưa từng thấy cái mông nào hoành tráng như thế, kể cả mông con hà mã trong vườn thú cũng chỉ vĩ đại đến thế này mà thôi.

Cái đinh đang nằm lệch về phía trái mông hắn, máu từ vết thương đang chảy ra, thấm ướt hết cả vạt quần sáng màu. Trời, đã mập còn mặc đồ sáng màu, tên này có biết gì về quy luật thời trang không đây. Tôi hơi quíu khi không nghĩ được cách nào xử lý:

-Làm thế nào giờ?

Tên kia không trả lời, cứ ê a khóc rên mãi. Cuối cùng tôi phải nhéo lấy tai hắn, hét lên:

-Làm thế nào giờ, hả?

-Nhổ… nhổ nó ra…

Dưới lớp bụi bẩn và nước mắt, mặt Sumô đã muốn tái xanh rồi. Có lẽ thấy hắn khủng hoảng như vậy đâm ra tôi lại bình tĩnh một chút.

-Được rồi, chịu đau nhá.
Gồng mình lên và nín thở, tôi kéo em đinh 7 ra khỏi vị trí đắc địa của nó. Sumô hét lên đau đớn sau đó máu gần như phun ra từ vết thương.

Tôi trợn mắt ra một tý rồi sáng ý lục ngăn kéo, lấy một miếng Kotex đắp vào chỗ bị đinh đâm, lại lấy cuộn băng dán phủ ngoài hai lớp cho chắc chắn.

-Đau quá, đau quá…

Cái gối gấu mèo sạch sẽ của tôi tắm trong nước mắt của tên Sumô. Lúc nãy trong lúc khẩn trương vì chiếc đinh, tôi lôi hắn vào phòng gần nhất là phòng mình và sơ cứu. Tôi không quên vụ chết vì virus uốn ván cách đây hai năm của một người trong ngõ khi họ dẫm phải đinh nhưng chủ quan để nhiễm trùng.

Tôi lại kéo ngăn bàn ra lần nữa, lấy vỉ thuốc nhét vào tay hắn hai viên, rót đầy cốc nước đưa tới tận miệng.

-Uống đi này, giảm đau đó.

Hắn nghe nói tới thuốc giảm đau thì đôi mắt híp sau gò má mập sáng lên, sau đó bỏ ngay vào miệng. Tôi an ủi:

-Mỗi lần đau bụng kinh tôi chỉ uống một viên này là đỡ.

-Phụtttttttttttttt…..

Vừa nghe tôi nói xong câu này, nước từ miệng của Sumô bay vọt thành một đường phun ra ngoài. Hắn chỉ vào mặt tôi, kinh hãi:

-Thuốc gì á?

-Thuốc giảm đau, còn không mau uống đi. Muốn chết à?

-Uống vào mới chết ấy.

Nói rồi hắn loạng choạng ôm cái mông cố đứng lên lết về phía gác xép. Tôi vội vã chạy theo. Tên trộm này thật quá ngang nhiên rồi.

Lúc này Sumô mới thở phào một hơi, quay qua phía tôi, ánh mắt đã bớt cùng quẫn. Sumô nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, tôi trợn mắt nhìn lại. Cuối cùng hắn bảo:

-Tôi sẽ giải thích một chút.

Câu này có chút quen quen. Giọng hắn nghe còn khá run, nhưng rất nghiêm túc.

-Sau đây tôi sẽ nói một sự thật. Sự thật này có thể vô cùng khó tin đối với cậu. Nhưng đó là lý do giải thích vì sao tôi lại xuất hiện ở đây, vào lúc này. Đồng thời việc này sẽ giải thích vì sao tôi lại cư xử như lúc nãy cậu thấy, và tôi mong cậu sẽ tin tôi, cũng như sẽ không ngắt lời trong lúc tôi đang trình bày.

Sumô phát biểu một tràng dài, nghỉ lấy hơi mất hai lượt. Sau dó nhận được cái gật đầu của tôi, hắn nói tiếp.

-Tôi đến đây từ ngày 13 tháng 7 năm 2162, thời điểm tôi muốn đến là năm 2147, nhưng có lẽ đã có sai sót trong việc điều chỉnh thời gian nên tôi đã du hành quá 150 năm thay vì 15 năm.
Hờ, chuyện gì đây? Cổ tích lúc nửa đêm về sáng à? Truyện du hành thời gian tôi đây đã nghiên cứu từ hồi lớp 1 nhé. Tôi còn thuộc lòng cả năm mươi tập Doremon cơ mà. Trí tưởng tượng của tôi cũng tương đối phong phú. Có lần qua bên Bách Khoa xem thi đấu bóng rổ, tôi đã hình dung ra mình và đội trưởng đẹp trai của khoa CNTT cùng hẹn hò ở một quán cà phê sách lãng mạn. Tôi còn từng tưởng tượng mình là hoa khôi trường Du lịch lúc qua bên ấy cổ vũ cho chị của đứa bạn đi thi. Mấy lần khác thì tôi trúng xổ số 1 triệu USD và mua một căn nhà hai tầng đẹp như mơ có khuôn viên nhìn ra biển.

À nhưng cái vụ một anh chàng béo mập du hành 150 năm thời gian đáp vào gác xép nhà mình và cắm một cái đinh vào mông thì mang tính chất hơi khác đây. Nói sao nhỉ, có lẽ viển vông quá chăng? Tôi nhìn chằm chằm vào đối tượng trước mặt, thầm đánh giá sau đó hỏi.

-Chủ tịch nước ta năm sau sẽ là ai?

-Hả?

-Việt Nam có đòi lại được Trường Sa và Hoàng Sa không?

-Hả?

-Năm 2012 này có phải xảy ra thảm hoạ gì làm người ta nghĩ là năm tận thế không?

-Hả?

Tôi ngán ngẩm lắc đầu:

-Hay đấy. Cậu nói cậu từ tương lai, vậy ít nhất cũng phải có bằng chứng gì chứ.

Voi con trợn mắt ngó tôi một lúc, có lẽ không nghĩ được tôi lại phản ứng theo kiểu thản nhiên như vậy. Tên này trông cái mặt ngu quá, có lẽ vì vậy mà câu chuyện hắn bịa ra để đánh lạc hướng tôi nghe cũng thật đáng thương.

Nét mặt chưng hửng của hắn đang biểu đạt điều gì nhỉ? Hy vọng tôi sẽ reo lên và quỳ mọp xuống chân hắn tế vái như một vị thần khai sáng hay sao? Lúc trong đầu đã xuất hiện các phương án tống cổ tên bệnh thần kinh này ra khỏi nhà một cách nhanh chóng nhất thì hắn vội quay lưng lại phía tôi, sau đó…tụt quần xuống.

Thật sắp phát điên với tên này rồi. Tính múa thoát y trong căn phòng chật hẹp hai người để mê hoặc tôi bằng cái mông hà mã nửa tạ của mình sao?

-Giúp tôi, tôi không với tới.

Tayhắn bơi bơi về phía vết thương đã bị tôi băng kín. Độ khùng của tên này hình như hơi quá ngưỡng cho phép rồi đây.

-Giúp tôi tháo vết thương ra- hắn lau mồ hôi đang túa ra trên trán- Tôi sẽ chứng minh.

Tôi đề phòng nhìn hắn, sau đó từ từ gỡ băng dán sau mông hắn ra. Miếng Kotex, aiza, đương nhiên là thấm đẫm máu. Tên này bị sao mà đòi gỡ ra đây, hắn muốn chảy máu giảm mập à? Cuối cùng, khi miếng băng rơi xuống, tôi kinh ngạc tới nỗi tròn xoe mắt.

Vết thương khủng khiếp máu me lúc nãy thay vì phun trào ra lại đã hoàn toàn khép miệng, nhìn qua dường như đó là vết thương của cách đây vài tháng và đã bắt đầu kéo da non.

Ôi cái đinh 7 phân đó là loại ông tôi đã dùng để đóng ghế học bài cho tôi, cũng là loại đóng để treo các dụng cụ gia dụng trong nhà bếp. Khi nãy dường như nó đã cắm sâu tới xương, vậy mà giờ …

Sumô thấy biểu tình trên mặt tôi, vẻ hài lòng kéo quần lên và khoe ra lọ thuốc trong veo lấp lánh khi nãy.

-Teteasophie- biệt dược trị thương công hiệu nhất thế giới, vừa qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Hoạt động dựa trên quá trình kích thích sản xuất mô tế bào tự hàn gắn mọi vết thương.
-Cho tôi!

Tôi giật lấy lọ thuốc từ tay Sumô, hào quang toé ra từ mắt. Thuốc này quá kỳ diệu rồi. Không biết tên kia nãy giờ nói nhảm những gì, nhưng nếu ông tôi uống viên này vào, chắc chắn sẽ nhanh khoẻ lại.

Sumô giật mình toan giành lại, nhưng với thân hình quá khổ đó, hắn muốn quay trở còn khó nhọc, huống hồ là tranh chấp với tôi.

-Bà bụa ơi, một viên đó giá tương đương 5g vàng đấy. Trả lại đây!

Tôi chỉ thẳng vào hắn, lúc này mắt lại đã bắt đầu ngấn nước muốn khóc.

-Cho tôi lọ thuốc này, nếu không tôi lập tức gọi công an tới gô cổ cậu vì đột nhập nhà tôi lúc nửa đêm. Trao đổi công bằng, suy nghĩ kỹ đi…
Sáng ấy tôi phi như bay vào bệnh viện, mang một viên con nhộng Teteasophie gì đó cho ông tôi uống. Lọ thuốc chỉ có mười viên. Tên mập xơi một viên, tôi uống một viên. Tôi không bệnh tật gì, đương nhiên là thế, nhưng ai mà biết được thuốc đó uống có nguy hiểm không. Tôi phải uống thử trước cho chắc, sau mấy tiếng đồng hồ thấy ổn cả, tôi mới mang vào viện cho ông.

Ông tôi lập kỷ lục bệnh nhân gãy xương thần kỳ nhất bệnh viện, chỉ sau hai ngày bó bột xương đã liền lại, một tuần đã có thể tháo bột. Người ta còn hoài nghi rằng trước khi bó bột phải chăng ông đã được chẩn đoán sai bởi một tay bác sỹ gà mờ nào đó.

Đi kèm với điều kỳ diệu này là chút phiền hà nho nhỏ. Bởi vì lò bánh mỳ nay phải chứa chấp thêm một kẻ ở nhờ, vô cùng vô cùng nặng ký. Tôi giải thích với ông rằng đó là người làm công tôi mới thuê được. Ông tôi nhìn một lượt cái thùng phuy di động trước mặt, kéo tôi vào một góc nói nhỏ.

-Nó có làm được gì không, hay chỉ có ăn thôi là đã hết ngày? Mình lấy đâu tiền mà thuê người làm nữa.

Tôi xua tay nói với ông không sao. Dù gì công việc ở lò bánh rất nặng nhọc, chúng tôi lại chẳng có đủ chi phí cho một người làm công bình thường. Bây giờ kiếm được một mối không lấy lương, chỉ phải bao ăn ở, đúng là cơ hội ngàn năm có một. Ông tôi sau hồi lâu suy nghĩ cuối cùng kết luận đồng ý.

Vậy là căn gác xép được dọn dẹp lại, đồ đạc chuyển hết xuống gầm cầu thang, phòng ấy tính ra rộng rãi hơn phòng tôi nhiều, tên Sumô ở rất vừa. Sáng sớm bốn giờ, tôi dậy chuẩn bị lò bánh, cũng là lúc chạy qua lên gân lên cốt lôi đầu heo dậy. Một tuần đầu tiên hắn khóc rất thảm, cơ hồ như bị dán keo 502 vào giường, nhưng sau khi tập cho nhịp sinh học quen dần, hắn rốt cuộc cũng lê dậy được.

Việc ở lò bánh phân công rất rõ ràng. Ông tôi phụ trách phần pha chế bột, Sumô cho bánh vào lò nướng, căn thời gian lấy bánh ra. Còn tôi đi nhập nguyên liệu, đóng gói và giao hàng.

Với chiều cao như Kinh Kông, việc xếp bánh không thành vấn đề, có điều mỗi khi sắp được vài khay, Sumô lại bắt đầu đứng thở dốc nặng nhọc.

-Ôi mẹ ơi, mệt quá, chết mất!

Từ hai tuần nay tôi đã khám phá ra “chết mất” chính là câu cửa miệng yêu thích của hắn.

-Sao cái gì cũng thủ công thế này, chết mất.

-Nhà vệ sinh bé tí teo thế này, chết mất.

-Cơm cứng thế này, chết mất.

Hắn cứ lải nhải như thế cả ngày nhưng cũng chưa chết lần nào, xem ra hắn vẫn còn cao số lắm.
Từ khi có Sumô công việc chẳng tiến triển là bao, thậm chí có chiều hứơng đi xuống. Vài lần hắn quên trở bánh, khiến bánh nở không đều, cái to cái xẹp như mấy cục bùn khô. Vài lần hắn quên bật lò nướng, khiến tới khi lấy ra bánh còn nguyên dạng bột nhão. Vài lần hắn ngủ gật, khiến khi mở lò chỉ thấy khói đen bốc lên nghi ngút, bánh đã biến thành một mẻ than hình thuôn dài. Vài lần, thân hình cồng kềnh của hắn va phải giá hàng, làm khay kim loại cùng bánh đổ ầm ầm xuống nền nhà như động đất.

Ông tôi thi thoảng hoài nghi nhìn tôi, ý dò hỏi. Tôi đành trấn an ông rằng khởi đầu chưa quen, rồi dần dần mọi việc sẽ ổn cả thôi.

Buổi chiều, lúc đã ủ bột xong, cũng không có bánh mới phải nướng, tôi thấy Sumô hay lỉnh lên gác xép ở rất lâu trên ấy. Tôi nghi hắn trốn lên đó ngủ bù, nhưng đôi khi lại nghe vọng ra tiếng lục cục mơ hồ. Một hôm tôi gõ cửa rồi không đợi cho hắn đồng ý mà xông vào, bắt gặp hắn đang ngồi giữa năm sáu cục kim loại đủ hình thù.

Tôi buồn cười chỉ vào cục màu đen như bao diêm.

-Điện thoại di động của tương lai đấy à?

-Không, đây mới là điện thoại.

Hắn nói rồi gỡ trên dái tai ra một viên tròn nhỏ như khuy áo. Rồi hắn chỉ cái vật hình bán nguyệt như cái đo độ của học sinh:

-Còn đây là máy thu phát tín hiệu cao tần, kiêm máy chiếu phim 6D.

Tôi cười ha ha:

-Hay đấy, thế có phim gì hấp dẫn chiếu tôi xem với. Thử cảm giác làm người đầu tiên trên thế giới xem phim 6D cái nào.

Sumô lườm tôi hờn dỗi.

-Cái chỗ lạc hậu này, làm gì có năng lượng phù hợp để khởi động.

-Ồ, chắc nó hoạt động bằng năng lượng hạt nhân à? thế thì có khi cậu phải sang Nhật Bản hoặcIranmột chuyến rồi. Bên ấy năng lượng hạt nhân sẵn lắm. Ra đường cứ gọi là lượm khoáng Uranium chọi nhau ầm ầm.

Sumô nhìn tôi hãi hùng:

-Đúng là thời đại lạc hậu. Vẫn còn dùng đến thứ năng lượng nguy hiểm ấy.

Tôi bĩu môi.

-Phải rồi, chắc 150 năm sau người ta chỉ dùng năng lượng tâm linh để điều khiển mọi loại đồ vật.

-Năng lượng tâm linh không phải ai cũng sử dụng được. Nó tạo ra nhiều hiệu ứng không mong muốn nên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được phổ biến rộng rãi.

Nói rồi hắn lại chúi mũi vào mấy cục sắt tinh xảo mà hắn mang theo. Tôi ngắm nghía hồi lâu cũng chán bèn hỏi.

-Thế bao giờ cậu định trở về đấy? Đến được mà đi không được à? Giống con lươn chui vào ống trúm thế nhỉ?

Sumô nhìn tôi, khá tuyệt vọng.

-Lực lượng bảo an sẽ sớm đến đưa tôi về.

Lúc trước hắn nói những điều này một cách rất quả quyết, nhưng sau cả tháng trời quay cuồng với lò bánh mỳ mà tuyệt nhiên không có động tĩnh gì từ Thế giới tương lai, sự hùng hổ của hắn dường như cũng xẹp bớt.

Tôi vẫn nửa tin nửa ngờ về gốc tích thực sự của Sumô, nhưng việc ấy cũng không có gì là quan trọng lắm. Liệu nếu bán hắn cho một toà soạn báo hoặc một chương trình truyền hình thì sao nhỉ, tôi sẽ được một món hời hay người ta sẽ tống nốt cả tôi lẫn Sumô vào viện tâm thần đây.

-Thôi làm cái gì thì làm rồi xuống ăn cơm.

Sumô hãi hùng khi nghe câu ấy, rồi nói với tôi giọng van nài:

-Tôi không ăn cơm được không?

-Chết đói ráng chịu.

-Hệ tiêu hoá của tôi vẫn chưa thích nghi mà.

Những ngày đầu mới tới, mỗi bữa Sumô dốc ba lọ ba màu ra ăn ba viên trong đó, nói rằng đã đủ chất đường, đạm và xơ rồi, nên không cần ăn cơm. Về vấn đề này tôi không có ý kiến gì, dù sao cũng là bớt tiền gạo, đỡ tốn đồ ăn. Nhưng hai hôm trước lọ lương thực của hắn đã dùng cạn, cuối cùng phải lê lết tới bàn ăn.

Vì vậy mỗi bữa hắn vẫn phải ngồi vào mâm, nhai nhai nhai suốt cả nửa ngày nát từng cọng rau và từng hạt cơm chống đói. Ông tôi thi thoảng mỉm cười nhìn hắn không nói gì, còn tôi thì ăn ào ào cho xong còn đi làm nốt đống bài tập hè, thời gian đâu ngồi ngâm nga giai điệu tinh thô với hắn.

Sumô vác cái mặt phúng phính nay đã hiện lên vài nét tiều tuỵ xuống bàn ăn, thấy món rau muống luộc, canh cải và thịt kho, mặt lại héo đi một chút. Cuối cùng tôi bê ra một tô cháo, đẩy đến trước mặt hắn.

-Phần của cậu đây.

Sumô lấy thìa nhấm nháp chút cháo trong tô, khuôn mặt sáng ngời lên hạnh phúc.

-Ngon quá, chết mất!

Hai ông cháu tôi quay qua nhìn nhau cười khổ. Thế là đến bữa tôi với ông ăn cơm, đồng thời mua về một phần cháo dinh dưỡng cho trẻ tập ăn về cứu đói cho Sumô. Có lẽ được bồi bổ bằng cháo dinh dưỡng hơn hẳn đồ ăn thô, nên Sumô làm việc cũng có hiệu quả hơn chút ít, trong lò hạn chế gây đổ vỡ hơn mọi khi và thi thoảng còn phụ tôi được này kia
Năm học mới bắt đầu, tối ấy tôi treo bộ áo dài phẳng phiu lên để ngày mai khai giảng. Nghĩ lại buổi chiều đi chợ ghé vào tiệm may lấy được bộ đồ nên tôi chạy qua gác xép, giơ ra cái túi trước mặt hắn. Tên mập lấy cái túi ra, ngạc nhiên:

-Cái gì đây?

-Quần áo chứ cái gì, phải đặt may riêng cho cậu đấy.

Tôi nhớ lại lúc lấy áo về cô thợ may cứ thắc mắc mãi, còn đoán rằng tôi đặt may áo cho hình nộm hoặc ông bù nhìn trưng bày nào đó. Sumô lắc đầu.

-Tôi có áo mặc rồi, không cần đâu.

Sumô lúc tới đây trên người chỉ độc một bộ quần áo. Hắn nói chất liệu vải dệt sanspierenano đó siêu mịn, hơn nữa lại giữ ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, rồi tích hợp nhiều tiện ích khác. Ví dụ hắn chỉ thả vào nước vò vò mấy cái, sau đó treo lên, thì toàn bộ bụi bẩn cũng theo đó mà đi. Dù có dầu mỡ hay vết bẩn cỡ nào (kể cả đợt máu me tai nạn lần trước) chỉ cần hai vò là sạch tinh. Phơi lên năm phút sau là có thể mặc vào, vì nó đã không còn ẩm nữa. Đúng là một chất liệu thần kỳ.

Tuy nhiên để hắn mặc mãi một bộ quần áo như thế, tôi cũng thấy hơi ái ngại, nên đành bỏ tiền ra mua một miếng vải khổ siêu rộng và siêu giãn, may cho hắn bộ quần áo mới. Vậy mà giờ hắn lại chê. Đúng là phí cả tiền.

-Mai tôi phải đi học rồi. Ở lò bánh cậu chú ý giúp ông tôi một tay nhé.

Sumô nhìn tôi, ngơ ngác một lúc lâu sau đó hỏi.

-Cậu cũng phải đi học sao?

-Chứ cậu thì không à? À, hay là trốn học mới leo lên máy thời gian chạy về đây?

Tôi chỉ tính chọc hắn một câu, ai ngờ hắn lại gật đầu.

-Đúng vậy, tôi trốn viện nghiên cứu ra. Bây giờ mới thấy thật ân hận.

Trước đây tôi hỏi Sumô vì sao trở về quá khứ, hắn luôn im tịt không nói. Tôi ngờ rằng hắn đã làm một việc gì sai trái lúc còn nhỏ, cho nên muốn quay trở lại để sửa chữa. Mà việc đã làm sai tới nỗi phải lên máy thời gian đi sửa thì chắc là nghiêm trọng lắm, nên tôi cũng không nghĩ điều tra thêm. Ai dè giờ hắn lại bảo rằng vì hắn ngại đi học.

Tôi cong môi lên gạn.

-Trời, chứ cậu học lớp mấy rồi? Trốn học kiểu gì hay quá vậy?

-Tôi là nghiên cứu sinh năm cuối khoa BCA học viện nghiên cứu liên Á.

Đừng nói đến cái học viên liên Á lạ lẫm tôi chưa từng biết tới kia, riêng cái ngành học của hắn cũng thật là mới mẻ.

-Không phải cậu nói năm nay mới mười tám sao? Vậy mà nghiên cứu sinh năm hai gì? Đừng có xạo nữa đi ông nội.

Sumô lúc này ra vẻ kẻ cả, liếc xuống tôi một cái như kiểu tôi ngớ ngẩn nhất trần đời.

-Ở chỗ tôi, phân loại cá thể và khu nghiên cứu theo gene và năng lực. Bất kể cậu bao nhiêu tuổi, chỉ cần có trình độ và mã gene tốt là có thể học ở đâu cũng được.

Tôi nhíu nhíu mày:

-Thế còn BCA là rốt cuộc học cái gì? MBA hả?

-Là BioChemArt – sinh hoá mỹ thuật.

Nghe chẳng liên quan gì đến nhau. Thấy ánh mắt hoài nghi của tôi, hắn lại càng ra chiều coi thường hơn.

-Cậu nên biết, các thiên tài về ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội là vô cùng nhiều. Nhưng những thiên tài vừa nghiên cứu khoa học tự nhiên, vừa có khiếu thẩm mỹ tinh tế lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Như đụng tới vấn đề nhột nhạt bấy lâu, Sumô bắt đầu liến thoắng.

-Mẹ tôi vốn mang gene chuyên về sinh nghiệm, còn bố tôi mang gene chuyên về thẩm mĩ. Nên tôi kết hợp được cả hai thành phần trội này, do đó, gene của tôi, đặc biệt chất lượng.

Tôi phì ra cười.

-Nghe cứ như hàng sản xuất hàng loạt chất lượng cao ấy nhỉ?

Sumô bực tức nhìn tôi.

-Không phải cứ gene bên XX là sinh nghiệm kết hợp với gene XY là thẩm mĩ thì nhất định sinh ra đời F1 tiêu chuẩn như tôi đâu. Ngay cả em trai tôi, nó vẫn chỉ thừa hưởng trí thông minh logic chứ không có thành tố quyết định tư duy trừu tượng như tôi. Tôi là cá thể nằm trong tỷ lệ một trên hai triệu ba trăm mười lăm trường hợp.

Tôi nhìn Sumô một lượt từ đầu tới chân, sau đó nhớ lại hình ảnh tôi từng xem về kỷ lục cân nặng trên thế giới, sau đó gật gù.

-Cậu không phải một trên hai triệu mà là một trên hai tỷ.

Sumô trừng mắt quay lưng lại với tôi, lại hí hoáy với năm sáu cục kim loại vô dụng của mình. Tôi lò dò tới bên cạnh hắn, lại hỏi.

-Vậy là cứ gene tốt, tức khắc được nhận vào trường điểm, bất kể thực tế cậu giỏi hay dở.

-Gene đã chuẩn thì đương nhiên là giỏi rồi. Chẳng qua tôi không thích học mà thôi.

Mặt Sumô đỏ gay đỏ gắt, con mắt đã híp nay lại càng híp hơn. Tôi bĩu môi nhìn hắn, sau đó đi ra ngoài.

-Thảo nào, nghiên cứu sinh khoa BCA của học viện liên Á, tới cơm còn chẳng ăn nổi, phải ăn cháo của con nít. Đúng là gene tốt toàn người siêu phàm.
Vào năm học, tôi cực kỳ vui. Tôi không phải kiểu học sinh con ngoan trò giỏi hè về nhớ thầy mong lớp. Nhưng vừa đầu năm học mới, cô giáo chủ nhiệm xếp chỗ ngồi tôi lại ngồi cùng bàn với lớp trưởng.

Lớp trưởng lớp 12A6 của tôi – Sơn, nếu dùng một từ để mô tả, đó là siêu đẹp trai. Chỉ qua một mùa hè không gặp, bạn ấy đã trở nên dễ thương hơn tôi nhớ. Tuy ngoài mặt tôi làm ra vẻ bình thản, nhưng trong lòng thì kịch liệt đấu tranh lắm. Vừa sung sướng vì được kề vai sát cánh với người mình đã thích từ lâu, vừa chuẩn bị tinh thần đối phó với hai mươi mốt ánh mắt ghen tỵ của mấy cô bạn khác trong lớp chiếu về phía tôi.

Buổi học đầu tiên trôi qua cũng rất nhanh chóng, cơ bản đó chỉ là hình thức để đón chào năm học mới thôi, cho nên bọn tôi được về sớm. Lúc chờ lớp trưởng tránh chỗ để đi ra về, tôi chợt nghe bạn ấy nói một câu.

-Mới mấy tháng không gặp, mà hình như Sương cao lên rồi nhỉ.

À, để chú thích một chút Như Sương là tên tôi. Cái tên nghe mỏng manh và dịu dàng này có lẽ không được hợp với tôi cho lắm. Dù sao cũng chỉ là một cái tên gọi thôi, và khi bạn lớp trưởng đẹp trai gọi thì nghe nó mới gần gũi làm sao.

Dọc đường ra cổng trường tôi cứ cười mãi đến nỗi mấy thầy cô giáo còn cảm động nói rằng học sinh nói chung phải noi gương hiếu học của tôi, đi học mà tinh thần bừng bừng hưng phấn. Tôi còn vui tới tận khi về nhà, đến lúc thấy ánh mắt khó hiểu của Sumô đang chờ đợi sẵn.

Tôi đề phòng hỏi ngay:

-Ông tôi đâu?

-Ông đi chơi cờ chưa về.

Đây là thông lệ của ông tôi, dù ngày có bận rộn đến mấy, nhưng cứ đúng chín giờ sáng thứ hai là tập trung đi sinh hoạt câu lạc bộ cờ tướng của phố. Ông tôi là một tay cờ cừ nhất, ai cũng công nhận thế.

Nhìn tới thái độ bồn chồn của Sumô, tôi vào nhà cất cặp sách rồi nói.

-Cậu lại làm hỏng cái gì rồi hả.

Thái độ của tên mập hôm nay hơi giống hôm hắn làm đổ năm ký bột nở tung toé khắp phòng bếp. Tôi bèn chạy ngay vào bếp kiểm tra, nhưng trong ấy là những khay bột đều tăm tắp đang chờ ủ và đưa vào lò nướng, nguyên liệu hay dụng cụ làm bánh đều đang yên vị đúng chỗ. Có lẽ hắn đã kịp dọn dẹp tang chứng đi rồi.
Sumô vẫn lẽo đẽo đi theo tôi từ nãy giờ, cuối cùng không nhịn được nắm tay tôi kéo lên gác xép. Mỗi ba bước lên cầu thang hắn lại ì ạch thở một hơi, trông rõ là cơ cực.

Vừa lên hết cầu thang, tôi giật tay ra khỏi mấy ngón tay múp míp của hắn, gắt lên.

-Rốt cuộc có chuyện gì hả? Nói thẳng ra cái đi, úp úp mở mở chẳng ra làm sao. Đừng có làm tôi cáu.

Sumô hít một hơi lấy đà, sau đó nói.

-Em trai tôi đang ở đây.

-Cái gì?

Tôi vừa kinh ngạc vừa mừng thầm, chỉ tay về phía gác xép:

-Đang ở trong đó sao?

-Ừ, nhưng mà…

Thấy Sumô gật đầu, tôi chẳng suy nghĩ thêm nhiều bèn đẩy cửa vào ngay. Ha ha, rốt cuộc có người tới đưa tên mập phiền phức này đi rồi. Ôi cuộc sống mến thương của tôi đang sắp bình yên trở lại.

Một dáng người cao ngang ngửa Sumô đang đứng quay mặt về phía cửa sổ. Tôi chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy ai đó tương tự như cái thùng phuy, song ngược lại, dáng vẻ đó rất hài hoà và cân đối. Trong ánh nắng mùa thu nhàn nhạt, người đó quay mặt lại nhìn tôi, và nhe răng cười.

-Á Á Á Á AAAAAAAAAAAAAAAAAA………..

Tôi hét toáng lên kinh hãi, cả người ngã dúi dụi về sau, đụng phải một cái cột thịt nặng nề, khiến cả hai đều ngã nháo nhào xuống đất. Tôi hoảng hốt chỉ lia lịa về kẻ gớm ghiếc đang đứng đó, giọng lạc đi.

-Trời ơi, quỷ quỷ, cứu tôi với… AAAAAAAAAAAAAAAAAA…….

Vừa gào vừa khóc, vừa túm lấy tóc của Sumô mà lắc, xem chừng bộ dáng của tên Sumô cũng chật vật không kém gì tôi.

-Đừng, đừng, cậu nhổ tóc tôi… đau quá trời ơi… chết mất.

Sumô cố sức gỡ mấy ngón tay đang níu chặt lấy tóc mình ra, lồm cồm bò dậy, sau đó thở hổn hển.

-Tôi chưa nói xong cậu cứ xông vào làm gì.

Tên quỷ cao nghều kia vẫn đứng đó, không chút phản ứng. Từ lúc tôi bắt đầu gào lên đến giờ hắn chỉ trợn to đôi mắt, không lên tiếng mà cũng không động đậy. Tôi vẫn không dám nhìn thẳng vào mặt hắn, vội chạy ra nấp sau lưng Sumô, nước mắt vẫn đang đọng trên má.
-Đó là ai? Cái gì vậy hả?

-Em trai tôi. Cậu bình tĩnh đi, không phải quỷ đâu.

-Tại sao trông gớm ghiếc như vậy?

-Là một kiểu thời trang thôi. Ở chỗ tôi rất bình thường, không có gì hết.

Tôi ló đầu ra từ phía sau tấm phản to lớn, nhìn một lần nữa vào “em trai của Sumô”. Hắn cũng cao như ông anh vậy, nhưng ngược lại với đống mô mỡ thừa thãi của ông anh, chân tay hắn rất gọn gàng săn chắc. Hắn cũng mặc một bộ đồ sáng màu tương tự như Sumô vẫn mặc, nhưng khuôn mặc hắn thì thật đáng sợ, trắng toát một màu. Bây giờ nhìn kỹ lại lại thì vì tóc hắn đã chải ngược hết về phía sau nên trông trán lộ hết ra, lông mày không có, cho nên cả khuôn mặt chỉ thấy nổi lên đôi mắt. Hắn đang ngậm miệng lại, nên tôi không thể thấy hàm răng khủng khiếp lúc nãy.

Sumô lên tiếng trước khi tôi kịp nói gì.

-Anh đã bảo nhuộm đỏ không hợp với răng của em rồi mà.

Tôi ngớ người:

-Cái gì? Nhuộm răng? Màu đỏ như máu đó là do nhuộm á?

-Ừm, đó là mốt ở chỗ tôi, xanh đỏ tím vàng màu nào cũng có. Chẳng qua nó giống màu máu nên chắc là cậu hơi sợ hả?

Sumô trấn an, nhưng tôi vẫn chưa hết kinh hoảng. Sao giống con ma mặt thớt thế này hở trời. Mặt thì trắng dã, miệng lại đỏ lòm. May là gặp hắn ban ngày nên tôi mới chưa ngất bất tỉnh, nếu gặp hắn lúc trời nhá nhem đảm bảo tôi hoá đá luôn rồi.

Tôi xua hai tay lia lịa.

-Thôi được rồi, thôi được rồi. Dù cho là đó là mốt miếc gì tôi cũng không quan tâm. Bây giờ em cậu đến đón cậu rồi thì hai người đi vui vẻ nhá. Có cần thu dọn đồ đạc gì không?

Tôi nhìn quanh quất trong phòng một lúc. Trừ một cái ba lô đựng mấy thứ nho nhỏ khác của Sumô và bộ quần áo trên người, hắn cũng không có hành trang gì nhiều. Thật là quá thuận lợi, tôi rốt cuộc cũng chia tay tên mập kỳ dị này được rồi. Dù cho hắn thực sự ở tương lai, hay hắn từ một viện abc xyz nào trốn ra, thì cũng đã có người tớ thu thập hắn. Cuộc sống của ông cháu tôi từ giờ đã trở lại với sự bình yên thanh thản trước đây.

Trái với vẻ hoan hỷ phấn khích của tôi, trông tên mập lại khá đắn đo. Ác quỷ bên cạnh thì vẫn im lặng từ nãy tới giờ, dường như việc tôi phản ứng thái quá với “nụ cười thân thiện” khi nãy đã động chạm tới lòng tự ái của hắn thì phải. Không sao, bây giờ mọi việc đều đã được giải quyết rồi.

Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tôi rút phắt cây bút bi trên giá sách ra gài vào áo cho hắn.

-Đây, cậu muốn mang về làm kỷ niệm cũng được, tôi không tính toán gì đâu. Khéo mang về thời ấy lại thành đồ cổ ý nhỉ.
Tôi cười hi hi đầy chờ đợi, nhưng đối diện với mình vẫn là hai khuôn mặt đưa đám.

-Này, sao thế? Không lẽ còn lưu luyến gì. Hay là cậu cần công thức chế tạo bánh mỳ đặc biệt của lò chúng tôi ? Sao còn chưa đi?

Lúc này, lần đầu tiên từ khi gặp mặt, tên mặt quỷ mới cất tiếng.

-Không phải không đi, mà là không đi được.

Tĩnh lặng.

Im ắng.

Ối – trời – ơi,………..

Mọi người hay bảo tôi già trước tuổi. Cứ suốt ngày gặp phải mấy chuyện điên đầu thế này không già trước tuổi mới lạ. Còn thiếu điều tóc tai bạc trắng cả thôi. Nếu có điều gì khổ sở hơn việc chứa chấp một tên kỳ dị trong nhà thì chính là chứa chấp hai tên kỳ dị trong nhà.

Lúc này tôi đang ngồi bệt dưới sàn gỗ của gác xép vò đầu bứt tóc, còn Sumô ngồi bên cạnh thì ra sức trần tình, tên ác quỷ cao kều vẫn im như tượng đứng bên cái bàn học.

-Chúng tôi không thể về được, việc đi xuyên thời gian không dễ dàng chút nào.

-Không dễ mà hết cậu rồi giờ lại cả em trai cậu đều đáp cánh tới đây được à? Lại còn đúng ngay nhà tôi nữa.

-Vì khu đất này trong tương lai chính là phòng thí nghiệm của gia đình tôi, nói đúng hơn là phòng thí nghiệm của tập đoàn tư nhân gia đình tôi, mà máy điều biến trung tâm chính là vị trí gác xép này.

-Tôi không cần biết cái máy thời gian kia ở đâu và làm sao hai cậu tới đây. Nhưng tới được thì về được. Đây đâu có phải là trại tập kết cư dân tương lai chứ.

Nếu rồi vài tháng nữa lại có một người xuất hiện lại nói là em gái của hai tên này, rồi sau đó là cô dì chú bác hàng xóm anh rể em dâu của họ cũng tập trung về đây thì nhà tôi có mà loạn mất à.

Giọng tên Sếu chầm chậm.

-Đã qua chu kỳ Anphagradient rồi, muốn khởi động lại máy cũng phải ít nhất nửa năm nữa.

Tôi trợn mắt, cái gì mà nửa năm. Đừng có nói hai tên này sẽ phải chờ nửa năm nữa để có một ai đó tới “cứu” về nhá. Sumô vội vàng đỡ lời.

-Không phải đâu, em tôi nó mắc tật nghiêm trọng hoá vấn đề đó. Chỉ ít hôm thôi, chắc vài tháng, mà có khi vài tuần, có khi chỉ là ngày mai hoặc ngày kia.

Hắn nặng nhọc lên cái mông lại ngồi gần chỗ tôi.

-Chỉ cần cậu cho bọn tôi ở đây ít hôm à. Em trai tôi thể lực tốt lắm, rất chăm rèn luyện, chỉ cần cậu bảo một tiếng, bao nhiêu khay bánh cũng được. Nó cũng là tay lái lụa nữa, đi giao bánh tuyệt đối không vấn đề luôn.

Tôi lừ mắt nhìn lại tên Sếu răng đỏ, mồ hôi vã ra đầy trán.

-Hắn mà giao bánh thì lò bánh mỳ này chắc chắn phá sản.
Vậy là chỉ trong hai tháng, nhà tôi có ngay hai nhân công mờ ám không lương. Tên Sếu sau khi chứng kiến thái độ của tôi lúc mới gặp, đã chấp nhận để ông anh Sumô lôi vào nhà tắm gột rửa đống keo trên đầu, thả mái tóc đằng trước rủ xuống che hàng chân mày vừa bị cạo sạch trơn, đồng thời mỗi ngày đánh răng năm lần, để màu đỏ nhuộm kia dần biến mất.

Vì để tránh cho người khác khiếp vía khi thấy, mỗi ngày hắn rất ít mở miệng nói chuyện, chỉ chăm chăm sắp bánh và nhồi bột.

Phải công nhận về sức vóc thì Sếu ta hơn hẳn ông anh. Tôi cứ tưởng ở tương lai người nào cũng béo ục như Sumô thì sàn nhà đều phải dày gấp đôi mất.

Về ăn uống hắn cũng không gặp phải vấn đề thức ăn tinh thô khủng hoảng như anh mình. Lúc này tôi mới biết hoá ra Sumô ở nhà là loại công tử bột kén ăn, suốt ngày chỉ thích ngồi một chỗ làm gì thì làm, lúc đói thì ăn quà vặt và viên dinh dưỡng nén. Thế giới còn chưa tới nỗi loạn, người ta vẫn ăn cơm bình thường.

Không phải vì vài sự hoà hợp như thế mà hắn không gây ra nỗi khổ tâm nào cho tôi. Ví dụ như khi đi tắm, hắn xả đầy một thùng nước to, sau đó chờ một giờ liền mới tắm.

-Trong nước toàn Clo.

Hoặc khi tôi quăng cho hắn lon Coca mát lạnh lúc hắn mới ở trong lò bánh nóng bức ra.

-Coca Diet không phẩm nhuộm tôi mới uống.

Rổ rau sống tôi rửa sạch để đánh chén cho bữa tôi, hắn gườm gườm nhìn hồi lâu, sau đó mang rửa lại một lần nữa bằng nước muối, rồi chần nước sôi.

-Vi khuẩn và trứng giun chưa tiêu diệt hết.

Niềm vui thích lớn nhất mà hắn mang lại đó là nhà tôi có một nhân viên dọn vệ sinh đạt tiêu chuẩn ISO con vịt. Hắn nói không chịu nổi mật độ vi khuẩn dày đặc trong nhà tắm và nhà vệ sinh, cho nên mỗi ngày đều dành ra gần một giờ đồng hồ để sát khuẩn và tẩy trùng trong đó. Bây giờ wc nhà tôi phải nói là có độ kháng khuẩn ngang ngửa Seraton 5 sao.

***

Trong lò bánh bây giờ có Sếu lo, nên Sumô tranh thủ lỉnh đi làm việc riêng. Khoảng vườn rộng rãi phía sau nhà trở thành địa điểm thường trú của Sumô. Đôi khi hắn ở ngoài đến tận khi trời tối mịt không rõ bàn tay mới hì hục đi vào, tôi còn nghĩ cắm cho hắn cái lều để ở luôn cho rồi. Thi thoảng hắn chạy sang phòng tôi rụt rè đề nghị.

-Mua hộ tôi mấy thứ.

Đa số đều là mấy loại hạt giống rau hoa vớ vẩn, còn thấy mấy loại thuốc chữ dài loằng ngoằng tôi đọc cũng không hiểu gì, chỉ đưa hết cho cô dược sỹ ở nhà thuốc. Lúc đầu tôi hào hứng lắm, nghĩ có lẽ với các mác Nghiên cứu sinh sinh hoá gì đó, hắn sẽ cho ra đời một vườn rau xanh um tươi tốt, đảm bảo chất lượng. Từ nay tôi sẽ tíêt kiệm được khoản tiền mua rau xanh hơi bị nhiều, bây giờ rau còn đắt hơn cả cá thịt ấy chứ. Nhưng rồi ngày nào cũng như ngày nào, Sumô lấm lem trở vào, còn vườn rau tương lai thì vẫn rậm rịt toàn cỏ với cỏ, tôi cũng chán luôn.
Năng suất lao động đợt này tăng, bữa tối tôi đặc biệt làm món mực tươi hấp gừng đã lâu không có dịp mua. Tên Sumô sau hai tháng ăn cháo thì dần dần cũng đã tiêu thụ được cơm như người thường, đỡ mất công một nhà còn chia ra hai chế độ dinh dưỡng.

Lúc Sumô bùn đất từ ngoài vườn vào, và Sếu mồ hôi mồ kê trong lò bánh ra, tôi đẩy ngay cả hai vào phòng tắm, chờ thưởng thức bữa tối thịnh soạn.

Hai tên một hí hửng một lạnh nhạt ngồi vào bàn, đột nhiên đều chuyển thái độ sang kinh ngạc.

Sumô chỉ chỉ vào đĩa mực hấp đang bốc khói thơm lừng với ánh mắt ghê sợ, ú ớ:

-Đây là sao?

Tôi và ông tôi liếc nhìn nhau không nói nên lời. Có lẽ tại thời gian vừa rồi tôi cho mọi người ăn uống đạm bạc quá, nên bây giờ hắn mới sửng sốt như thế. Tôi lườm Sumô, đã mập lại còn muốn ăn nhiều chất đạm, đến đời nào mới giảm cân được. Sumô lại lau mồ hôi hỏi tiếp:

-Mực này là bắt ở biển đó hả?

Tôi muốn đánh hắn quá. Tôi gắp một con to sang bát ông tôi, mỉa mai trả lời.

-Không, mực tôi nuôi ở bồn cá cảnh trong phòng ấy. Cậu vào phòng tôi mấy lần không thấy tôi nuôi một đàn trăm con tung tăng trong đó à.

Sumô nuốt khan nước bọt, sau đó mới bảo.

-Chỗ tôi người ta không ăn hải sản nữa.

Tôi thất thần.

-Hả? Không lẽ người ta phát hiện ra hải sản đều gây ung thư?

Sếu như hiểu ra chuyện gì, quay qua nói nhỏ với Sumô.

-Thời điểm này chưa xảy ra thảm hoạ Big Three.

Sumô gật gù, sau đó mắt sáng lên và gắp ngay một con mực.

-Đời anh chưa bao giờ ăn món này.

Ông tôi nhìn Sumô, nhìn Sếu, lại nhìn tôi. Tôi đành cười giả lả cho qua chuyện rồi cũng cắm cúi ăn. Ông tôi vẫn không rõ gốc tích của hai kẻ dị hợm mới đăng ký thường trú trong nhà.

Theo lời tôi ba hoa là người làm tôi thuê được, nhưng nhìn đâu cũng không thấy hai người này giống lực lượng đứng ở chợ lao động mỗi sáng chờ người tới bốc đi. Cũng may Sếu làm việc có năng suất, chứ nếu cứ như Sumô không sớm thì muộn lò bánh cũng phải đóng cửa.

Hai tên ấy lúc đầu tỏ vẻ e sợ đĩa mực lắm, thế nhưng chỉ lúc sau đã gắp lia lịa. Bàn ăn chỉ một nhoáng là đạt tiêu chuẩn ba sạch: mâm sạch, bát sạch, đĩa sạch.

Lúc Sumô đứng rửa bát, tôi chạy lại lân la hỏi thăm. Đây là luật bất thành văn, bữa ăn tôi đi chợ nấu cơm, Sếu hàng ngày vật vã trong lò bánh rồi, cho nên phần chén đũa đương nhiên là việc của tên mập.

-Tại sao chỗ cậu hải sản không ăn được?

-Vụ động đất làm rò rỉ hạt nhân của ba khu sản xuất nguyên liệu lớn nhất đã khiến toàn bộ mặt biển nhiễm phóng xạ. Nhiều loài sinh vật biển đã tuyệt chủng. Những loài khác đều bị biến đổi ít nhiều.

Tôi ngẩn người không dám tin.

-Ba nhà máy hạt nhân luôn?

-Giàn khoan dầu khí và rác thải công nghiệp cũng làm nước biển ô nhiễm nặng, đến nay vẫn chưa khắc phục xong, hơn năm mươi năm rồi.

Tôi bối rối úp chén lên giá.
-Tại sao cậu bảo ở đó không dùng năng lượng hạt nhân nữa cơ mà.

-Từ sau thảm hoạ Big Three, UN đã ra quy định cấm sử dụng nguyên liệu phóng xạ cho bất kỳ hoạt động nào. Cũng do vậy nên người ta bắt đầu điên cuồng nghiên cứu nguồn năng lượng an toàn và sạch.

-Ôi, thế Nhật Bản,Triều Tiên,Iranthì thế nào rồi?

Tôi từng xem thời sự, cũng hay đọc báo chí lung tung, cho nên khi nhắc tới vấn đề hạt nhân bèn nghĩ tới mấy quốc gia này. Lúc này không biết ma mặt thớt ở đâu lò ra, nghiêm khắc nhìn Sumô.

-Interpol.

Sumô đang nói bỗng im bặt. Nhả xong có một từ đó, Sếu lại quay đầu lên gác. Sumô nhìn tôi hơi bối rối.

-Tiết lộ bí mật tương lai chính là làm ảnh hưởng tới hiện tại. Điều này được quy định cực kỳ nghiêm ngặt trong đạo luật không gian thời gian. Thôi tôi không nói nữa đâu.

-Nói vậy việc đi xuyên thời gian đã phổ biến ở thời đại đó quá rồi, nên người ta mới ra luật.

Sumô rửa nốt cái bát cuối cùng, chuyền qua cho tôi úp lên giá, sau đó lắc đầu.

-Không phải như bây giờ khi vấn đề phát sinh người ta mới đặt ra luật lệ. Ở chỗ tôi người ta đặt luật trước cả khi sự việc có thể phát sinh. Cậu có biết luật về UFO, về luật đất đai trên Sao Thổ, và luật sở hữu thiên hà không? Nghe quá vớ vẩn chứ gì, nhưng người ta đặt ra luật để bất cứ khi nào có biến cố gì phát sinh cũng có thể xử lý được. Cũng như chuẩn bị sẵn viên dưỡng lão cho một bào thai ngay từ khi trứng kết hợp với tinh trùng vậy.

Tôi bĩu môi nhìn Sumô.

-Một trăm năm mươi năm mà cậu làm như ngàn năm không bằng. Thế giới làm gì mà khác đến thế.

Sumô cốc nhẹ lên trán tôi.

-Có những việc không hề thay đổi, thậm chí vẫn giống hệt như thời nguyên thuỷ. Nhưng có những việc dường như vượt qua mọi trí tưởng tượng cao siêu nhất của con người. Đó chính là sức mạnh của tương lai.

Trước khi lúc lắc cái mông khủng bố rời đi, Sumô quay lại nói nhỏ với tôi.

-Mai lại ăn đậu rồng và giá đỗ nhé!

Tôi tròn mắt:

-Một tháng nay ngày nào cậu cũng bảo mua món đó thế.

-Đi mà, năn nỉ. Đậu rồng và giá đỗ nhé!

-Cậu có ăn đâu mà đòi mua.

-Có mục đích cả mà, sau này tôi sẽ nói cho, được không?Nănnỉ luôn đó. Làm ơn điiiiiiiii…

Tôi khó hiểu nhưng cuối cùng vẫn gật đầu, lúc này Sumô mới hớn hở đi lên gác. Tên này đúng là hâm, bảo tôi mua đậu rồng với giá đỗ suốt, làm đợt ấy tôi tưởng hắn nghiện món này. Nhưng sau đó hắn toàn gẩy gẩy mấy miếng cũng chẳng thèm ăn. Rốt cuộc tôi lại làm thùng rác, có bao nhiêu còn lại đều do tôi tiêu thụ. Tuy trước giờ không kỳ thị gì hai món rau dinh dưỡng lại rẻ này, nhưng ăn liền một tháng tôi cũng đã hơi bị ớn rồi.
Mùa thu là mùa tôi thấy khổ sở nhất
trong năm. Những cơn mưa rả rích cả ngày và bầu không khí xám xịt.
Mỗi khi giao bánh lại phải quấn ba vòng bảy lớp trong lớp ni lông
to xụ. Phơi quần áo đã lâu khô thì chớ, nhiều khi không kịp cất thì
ôi thôi ướt sạch trơn công sức.

Khác với loại quần áo giặt hai phút phơi ba phút của hai anh em nhà Sumô, quần áo của tôi phơi phải chờ gió hong cả ngày. Vậy mà trời cứ mưa làm tối tối tôi phải thức muộn hơn ủi lại áo dài đi học.

Tôi chạy qua gác xép lấy bàn ủi thì bắt gặp Sếu đang tức giận gì đó với Sumô. Tên Sếu này bình thường lạnh lùng vô cùng, cũng ít khi mở miệng. Ngoài vấn đề về màu răng không giống ai, tôi nghĩ bản thân hắn cũng là người khá vô cảm. Cứ làm xong việc thì hắn im im lẳng lặng về phòng, không giao tiếp mà cũng không hoà nhập chút nào. Vậy mà lúc này thấy hắn đang tỏ rõ thái độ khó chịu. Cũng là giờ nghỉ của ông nội rồi, nên tôi bảo.

-Hai người có chuyện gì thế? Khuya rồi nhỏ giọng một chút.

Sếu lúc này vẫn đang cơn tức giận, nên phá lệ giữ vỏ lạnh nhạt mà quay qua trừng mắt với Sumô.

-Đi ngược về quá khứ, cái gì cũng không mang, lại mang máy chiếu phim và máy chơi game đa chiều.

Sumô cự nự:

-Chứ em thì mang cái gì, mang kính thiên văn và máy chuyển ngữ. Ở đây thì cần kính thiên văn làm gì cơ chứ, lại còn máy chuyển ngữ. Không có tai nghe tương ứng thì em chuyển ra ngôn ngữ gì người ta cũng không nghe được.

Sếu vểnh vểnh cái chân mày đã bắt đầu mọc ra lờ mờ, không chịu nhận thua.

-Ít nhất thì nghe cũng hiểu người ta nói gì.

-Đều ở ViệtNamcả, không lẽ còn sợ người ta nói tiếng Talimalu.

Cuối cùng hai anh em nhìn một đống hòn to hòn nhỏ bày ra sàn nha, rồi lại nhìn nhau thở dài:

-Sao mang một đống máy đi mà lại không mang nguồn?

-Ai ngờ được đi về cả chừng đó năm, nơi này không có cả điện đa cực. Mà chuyên ngành của em là gì sao không nghiên cứu ra đi.

Tôi đứng một bên làm bù nhìn rơm mãi cuối cùng cũng phải hỏi.

-Thế chuyên ngành của Sếu là gì?

-Vật lý lượng tử.

Tôi ngán ngẩm nhìn ông anh Su mô lại nhìn sang ông em cao kều.

-Nếu hai người có ai học kinh tế có phải tốt không? Ít nhất đi mua cổ phiếu hoặc đi kinh doanh còn kiếm ra tiền. Còn cái gì sinh hoá mỹ thuật với cả vật lý lượng tử, không có chút xíu ứng dụng nào hết.

Sau đó tôi lấy cái bàn ủi, tuyên bố với hai tên một gầy một mập đang ngồi đó rằng.

-Xin hai anh chàng có mã gene chuẩn của tương lai lưu ý cho, bây giờ là gần mười một giờ pi-em, vui lòng giảm đề-xi-ben cuộc trao đổi của hai người xuống mức thấp nhất, để những người khác còn ngủ, nhớ.

Tôi quay lưng đi rồi nhưng vẫn cảm giác được hai anh em nhà kia đang trao đổi với nhau một cái nhìn cực kỳ mờ ám.

Hôm sau đang lúc đi học thì trời đổ mưa rào. Tôi đau khổ trong lòng nghĩ không biết ông tôi có ở nhà mà cất đồ vào hộ tôi không. Hai tên ngố kia thì chẳng trông mong gì được rồi, không đời nào nhớ đến chuỵên cất quần áo vì họ có bao giờ phải đối diện với thực tế trơì mưa không có đồ mặc đâu.

Lớp trưởng đẹp trai thấy tôi cứ bồn chồn ngó trời thì lại tưởng tôi quên mang áo mưa bèn hỏi thăm.

-Nếu lát nữa về trời còn mưa thì Sương lấy của tớ mà về cũng được.

Tôi ngơ ngẩn cả người, có vụ nhường áo mưa này nữa sao, đúng là idol của lòng tôi. Chắc bạn ý cũng để ý mình hay sao ấy chứ, cả lớp có chừng đó bạn nữ, sao lớp trưởng lại nói với tôi thế. Tôi không quên mang áo mưa bao giờ cả, nhưng trong đầu bỗng dưng lại nảy ra suy nghĩ hay là mai giả bộ để áo mưa ở nhà.

-Tớ mang theo rồi, chẳng qua sợ ở nhà quần áo không ai cất vào ướt hết. Mà lỡ nhường áo mưa cho tớ rồi Sơn làm sao mà về?

-Nhà Sơn gần mà, chạy cái vèo là tới luôn. Mặc áo dài mà ướt thì không tiện.

Tôi nghĩ tới việc được quan tâm như thế, lại là bạn mình thích quan tâm, không nhịn được mà đỏ mặt lên.

Tôi có một năng khiếu kỳ lạ và cũng gần như không có tác dụng gì, đó là tôi có thể đỏ mặt lúc nào mình muốn. Tất nhiên khi xấu hổ hoặc ở trong lò bánh mỳ nóng hầm hập ra thì tôi cũng đỏ mặt không điều khiển được rồi, nhưng ngoài ra có những khi không xấu hổ tôi vẫn đỏ mặt theo ý thích được.

Năng lực này được tôi phát hiện từ hồi cấp hai, nhưng nó đúng là không có tính ứng dụng gì hết. Thành ra cũng chẳng khoe khoang làm gì. Niềm vui vì được lớp trưởng quan tâm cứ âm ỉ mãi cho tới hết buổi học, khi tôi phát hiện ra áo mưa của mình để trong giỏ xe đã không cánh mà bay.

Ai đó học ra trước lớp tôi đã tranh thủ nhón luôn cái áo mưa của tôi mất rồi. Áo mưa ấy tôi đi học cũng hai năm nay, một bên tay áo đã ra đi rồi, nhưng dù sao nó vẫn chống ngấm tốt. Tôi chạy ra phía ngoài nhà để xe ngó nghiêng bên ngoài xem có đứa nào mặc cái áo của mình vẫn chưa thoát ra khỏi khuôn viên trường không. Tôi mà tóm được nó thì xem nó còn mấy cọng tóc.

-Sương, có chuyện gì thế?

Bạn lớp trưởng đẹp trai cứ như thiên thần hộ mệnh ấy, lại xuất hiện ngay lúc này. Tôi tiu nghỉu báo cáo tình trạng với bạn, thế là anh hùng lập tức mang áo mưa của mình cho tôi ngay, thái độ còn rất quyết liệt. Tôi đành miễn cưỡng vui sướng mặc áo mưa của bạn ấy về nhà.

Về đến nhà, tôi thấy Sumô đang dớn dác đứng ngoài cửa chờ. Tôi lè lưỡi.

-Hôm nay tử tế thế, còn ra tận cửa đón tôi.

Sumô nhìn tôi ngẩn ra rồi hỏi:

-Ơ, áo mưa ở đâu ra thế?

-Đứa dẩm nào trộm mất áo rồi ý. May mà có lớp trưởng cho mượn áo mang về chứ không thì ướt hết rồi. Bà mà tóm được thì bà cho ra bã.

Lúc ấy thì Sếu đi ngang qua, nhìn tôi một cái, lại nhìn sang Sumô đầy ẩn ý, cuối cùng lắc đầu rồi đi vào cũng không phát biểu gì.
Tôi treo áo mưa của lớp trưởng lên tử tế sau đó xua tên Sumô nãy giờ vẫn lóc cóc theo sau lưng ra.

-Rảnh thì phụ tôi khiêng bao bột mỳ góc kia vào bếp đi, để đấy sợ mưa to quá nó lại dính ẩm.

Tôi thay quần áo xuống bếp nấu cơm, miệng ri ri hát một bài dân ca, trong lòng thấy rất vui vẻ. Bỗng nhiên giật mình vì Sumô lại đã lù lù sau lưng.

-Cái gì vậy trời? Đừng có hơi tý lại hù người vậy chứ. Ông có biết thân hình ông đồ sộ lắm không hả?

-Cậu đang nhặt rau à?

Sumô hỏi một câu ngớ ngẩn, tôi không biết có nên trả lời hay không.

-Chứ còn làm gì nữa.

-Tôi phụ nhá.

-Ừ, thế nhặt đi.

Tôi vứt rổ rau đấy, quay qua kiếm bát đánh trứng.

-Tôi nhặt rau xong rồi này, giờ có phải làm gì nữa không?

-Thôi không cần đâu.

Tôi khoát tay bảo Sumô ra ngoài lò bánh xem dỡ bánh cùng với Sếu, nhưng hắn vẫn đứng chôn chân tại chỗ. Cuối cùng tôi phải gầm lên bảo biến ra khỏi bếp cho đỡ vướng tay chân tôi hắn mới chịu đi. Suốt bữa ăn hắn lại không ngừng gắp rau cho tôi.

-Ăn thêm đi này, ăn giá đỗ đẹp da lắm.

Thấy ông tôi cứ ngồi cười tủm tỉm, tên Sếu thì mặt vẫn lạnh lùng nhưng thi thoảng lại nhìn hai đứa tôi rõ lâu. Cuối cùng hết bữa ăn tôi không nhịn được chống nạnh đứng giữa phòng hỏi.

-Rốt cuộc có chuyện gì nói mau.

-Thật ra thì …

-Thật ra thì làm sao?

-Thật ra cái áo mưa của cậu, tôi mang làm nhà kính ở phía sau vườn.

Tôi hoá đá. Sau đó cố gắng lấy lại tinh thần chạy ngay ra sau vườn. Ôi thôi cái áo mưa vốn đã không mới mẻ gì của tôi đã bị rọc thành một tấm ni-lông lớn, đang chăng ngang góc vườn rậm rịt cây cỏ không tên. Mưa nhỏ xuống từng giọt tí tách bên dưới áo mưa, còn lòng tôi cũng đang âm thầm đổ lệ.

-CẬU LẤY NÓ RA LÚC NÀO HẢ?????????

-Sáng nay trời cũng nắng đẹp nên tôi đâu nghĩ có mưa. Với lại cậu cũng mượn được áo mưa rồi còn gì?

Tôi nhảy tới cào vào mặt tên mập một phát, lập tức hai bên má hắn mỗi bên hằn năm dấu móng tay đỏ ran.
-Trời ơi là trời. Cậu giỏi lắm. Cậu lấy áo mưa của tôi làm nhà kính cho bọn cỏ kia. Tôi mượn áo mưa được một hôm chứ ngày mai tôi đi học bằng gì đây. Hả? Hả? Hả?

Sumô chật vật chống đỡ với cơn tức giận của tôi. Sếu thì bình thản quay lưng đi lên gác. Ông tôi khuyên nhủ mấy câu qua quýt rồi cũng về phòng uống trà nghỉ trưa. Cuối cùng, sau khi cào cấu hả dạ tôi mới buông hắn ra. Sumô mếu máo ôm mặt, không ngừng xuýt xoa.

-Cậu phải xếp vào diện sinh vật giống cái nguy hiểm nhất hành tinh.

-Cái gì? Cậu còn dám nói vậy hả?

-Mua một cái mới là được chứ gì? Một cái áo mưa mà cậu làm như trời sập.

Tôi không đôi co thêm với tên mập, nén giận đi thẳng về phòng. Bây giờ trời cứ mưa suốt, kiểu gì cũng phải mua một cái thôi. Lấy ít tiền kẹp trong quyển từ điển ra, tôi đi xuống quầy tạp hoá đầu phố. Tiền này định để mua mấy cuộn len về đan khăn cho mùa đông sắp tới, bây giờ lại phải mang đi mua áo mưa. Đúng là cái tên trời đánh.

Lúc trở về vẫn thấy Sumô ôm mặt bí xị ở đấy, tôi chìa cái áo mưa trước mặt hắn, thở hắt ra.

-Bán ba trăm ổ bánh mỳ mới mua được một cái áo mưa này đấy.

Tôi cất cái áo mưa mới vào giỏ xe, lại gấp luôn áo mưa của bạn lớp trưởng lại.

-Lần sau mà định làm gì với đồ đạc của tôi thì phải hỏi ý trước.

Đang bức xúc đi lên phòng thì tôi mới chợt nhớ ra. Thôi chết, không rõ quần áo của tôi đã có ai cất vào chưa, chạy lên lan can, yên tâm thấy cây treo đồ đã được dẹp gọn vào mái hiên. Nhưng hình như kiểu dáng của cây phơi đồ hơi khác thì phải. Tôi tò mò tới gần xem kỹ. Lại có kẻ tự tiện tháo dỡ đồ đạc của tôi rồi giời ạ.

Tên Sếu từ cửa sổ bên cạnh ló đầu ra.

-Tôi mới chế tạo lại đó. Cây phơi đồ từ giờ cứ có mưa sẽ tự xoay vào trong mái, nắng sẽ tự động xoay ra phía ngoài.

-Thật á?

-Lừa cậu làm gì.

Thì ra tên Sếu này hữu dụng hơn tôi tưởng. Ngoài việc chế ra cây phơi đồ từ nép vào mái hiên, hắn còn chế ra hệ thống tự ngắt điện của lò bánh mỳ khi nướng xong, bồn rửa rau hay vòi nước trong nhà tắm khi đầy đều tự khoá.

Sumô sau vụ phá hoại áo mưa của tôi đã mang cho tôi một hộp nhỏ bằng hộp bút, nói để ở chân giường thì sẽ không cần thả màn, các loại côn trùng ruồi muỗi gián kiến sẽ không tiếp cận, chỉ cần vài ngày mang nó ra nắng phơi nạp năng lượng là được. Vì cái máy đuổi côn trùng siêu hiện đại này, tôi đã nhanh chóng bỏ qua tội lỗi tày đình của hắn hôm bữa.
Những ngày mùa thu trôi qua thật nhanh. Bài vở và công việc cuốn tôi vào khiến nhiều khi không kịp nhìn lại mình đã đi qua bao nhiêu ngày. Thế giới tương lai của hai anh em kỳ lạ vẫn chẳng có động tĩnh gì. Mỗi ngày mưa nắng gì Sumô vẫn lúi húi với vườn cỏ xanh của hắn, Sếu ngoài việc chế tạo ra vài thứ máy móc hữu ích và phụ trách lò bánh mỳ thì cứ quanh quẩn trong nhà chẳng đi đâu dù răng hắn đã trắng trở lại, lông mày cũng đã mọc đầy đủ, chẳng còn doạ người như lúc đầu.

Bản tin thời tiết báo mai sẽ là ngày gió mùa đầu tiên. Đang ngồi học tiết cuối trong lớp thì mưa rả rích. Nhìn ra màn mưa bên ngoài cửa lớp, tôi bắt gặp một người cũng đang giống mình. Sơn lớp trưởng hỏi:

-Bạn có mang áo mưa không?

Tôi lúc nào cũng có. Trừ hôm Sumô lén lấy áo mưa trong giỏ xe của tôi còn thì lúc nào tôi cũng mang theo hết. Vì trời mưa có nghĩa là ướt quần áo, có nghĩa là có nguy cơ bị ốm. Mà ốm thì kéo theo nó biết bao phiền phức và tiền bạc. Vậy nhưng khi lớp trưởng hỏi câu này, không hiểu sao tôi lại đáp.

-Hình như tớ quên rồi.

Lập tức lớp trưởng bừng bừng khí thế rút áo mưa trong ngăn bàn đưa cho tôi.

-Lát nữa cầm mà về nhé.

-Sao Sơn lúc nào cũng nhớ mang áo mưa chu đáo quá.

-Mẹ tớ nhét vào đấy.

Tôi định nói vài ba câu khách sáo từ chối, nhưng đang trong tiết trao đổi bài tiếng Anh, không dám nói nhiều sợ bị cô giáo nhắc, nên cũng im lặng luôn. Ra về, trùm cái áo mưa màu xám của bạn ý lên người, tôi cảm giác trong người cứ lâng lâng, tần ngần mãi ở nhà xe rồi mới ra được.

Sân trường đã vắng nhiều, chỉ còn lác đác vài học sinh chậm chạp tan học. Phía trước tôi thoáng thấy một bóng dù tím, dưới ấy có hai người. Người con trai đang cầm dù, trên vai mang chiếc ba lô quen thuộc, một tay nắm lấy bàn tay người con gái với mái tóc dài mềm mại. Hai người đi nép vào nhau để mưa khỏi ướt áo. Cảnh cặp đôi đi bên nhau ấy thật lãng mạn. Nhưng người chứng kiến là tôi thì lại ngơ ngẩn đến nỗi quên cả trèo lên xe.

Đó là Sơn, người vừa nhường áo mưa cho tôi, và lớp phó học tập bên 12A3. Đúng là một cặp trời sinh, họ đi bên nhau quá đẹp đôi. Hoá ra bạn ấy lúc nào cũng tích cực nhường áo mưa cho tôi, là để có cơ hội đi chung dù với người khác. Tôi đúng là đứa ngốc nhất quả đất mới nghĩ rằng bạn ấy sẽ thích một con bé cao hơn mét rưỡi làm trong lò bánh mỳ, cả người lúc nào cũng thoang thoảng mùi bột lên men như mình.
...Bạn đang đọc truyện tại Kenhtruyen.Pro,hãy giới thiệu cho bạn bè để cùng đọc truyện hay nhé ^^Mưa trên má tôi giọt lạnh giá, giọt nóng ấm. Lúc về tới cổng không biết xuống xe kiểu gì tôi lại bị ngã, móng chân gãy ra chảy máu trông rất ghê.

Tôi vừa đau vừa buồn ngồi ôm chân khóc một hồi. Ông tôi đi nấu bát nước đường gừng chống lạnh mà tôi thích uống. Còn Sumô đi kiếm bông băng, một lúc đã trói ngón chân tôi lại thành hình một cây nấm xấu xí. Lúc đầu thì không sao nhưng về sau ngón chân càng nhức. Tôi đang định lấy vỉ thuốc giảm đau uống tạm thì chợt nhớ ra lọ thuỷ tinh với những viên thuốc màu xanh lấp lánh.

Dưới ánh sáng ban ngày, viên thuốc toả ra ánh sáng nhàn nhạt đẹp mắt. Tôi vừa uống một viên xong thấy toàn thân nóng bừng. Sau đó đột nhiên hai anh em nhà Sumô xuất hiện ở cửa, trông sắc thái trên mặt họ mới vui làm sao. Sếu không dám tin nhìn tôi lại nhìn ông anh mình.

-Teteasophie!

Sumô nháy mắt với tôi lia lịa nhưng tôi chẳng hiểu ý hắn là gì, chỉ gật đầu ngu ngơ. Cặp chân dài thòng của Sếu chỉ đi hai bước đã tới bên bàn học của tôi, hắn cầm lấy lọ thuốc, nghiêm nghị nhìn Sumô, chỉ thấy Sumô mặt đỏ tía tai không nói gì. Giọng của tên Sếu lạnh lùng vô cùng.

-Tại sao nó lại ở đây?

-Anh đã lấy một lọ từ phòng thử nghiệm.

Tên Sếu có vẻ có nhiều điều muốn nói nhưng lại thấy tôi đang ngồi ngây đơ ở đó nên kéo tay Sumô về gác xép của hai anh em họ, cầm luôn theo lọ “thuốc tiên”. Tôi hớt hải chạy theo, ghé vào cửa chỉ nghe tiếng tranh cãi khá gay gắt, nhưng không rõ nội dung câu chuyện, chỉ loáng thoáng cái gì mà “thử nghiệm” “nguy hiểm” “tác dụng phụ” rồi “kiểm soát”…

Cả tôi và ông tôi đều đã sử dụng dược liệu ấy. Thôi xong rồi, tính mạng của tôi giờ làm sao. Tại sao hôm ấy tên Sumô cũng uống cơ mà. Tôi đạp cửa nhảy vào, hoang mang nhìn hai anh em nhà kia.

-Tôi, sẽ chết sao?

Khuôn mặt của cả hai tên bây giờ đều đang đỏ như gà chọi. Sumô lườm Sếu một trận, sau đó nói rất nhỏ nhưng tôi vẫn nghe thấy.

-Đừng có doạ cô ấy.

Tên gầy dốc số thuốc có trong lọ ra, sau đó lại hỏi.

-Tại sao chỉ có sáu viên?

-Tôi uống hai viên, ông tôi uống một viên.- lại ngoảnh sang tên mập- cậu ta uống một viên.

Sumô nói luôn không chờ tên em hỏi.

-Lúc ấy anh bị cái đinh cắm vào mông.

-Lúc đó ông tôi bị gãy xương. Tôi uống thử để xem có độc không rồi mới đưa cho ông tôi. Rốt cuộc là làm sao vậy? Thuốc này có độc hả, tôi sẽ chết sao?

Sumô cười khổ nhìn tôi.
-Không, chết thì làm sao tôi để cho cậu uống được.

-Vậy thì làm sao thái độ tên còm kia lại nghiêm trọng thế?

Giọng ông em vẫn lạnh như băng, không nhìn tôi mà cũng không nhìn Sumô, giải đáp.

-Thuốc chưa được chứng nhận mà dám sử dụng trên người, chính là phạm pháp. Huống hồ thuốc này còn có tác dụng phụ.

-Tác dụng phụ là gì?

-Tăng trưởng mô.

Không gian tĩnh lặng. Ba từ đó đập vào màng nhĩ tôi, theo dây thần kinh chạy tới bán cầu não phải, bên ý chủ yếu là nơ-ron thần kinh sáng tạo, rồi lại luồn qua bán cầu não trái, nơi tập trung các nơ-ron phân tích logic, liên tục mổ xẻ ba cái chữ kia. Tôi ngờ ngợ một lúc, sau đó quay qua nhìn Sumô đứng bên cạnh mình, cuối cùng kinh hãi rên lên.

-Tôi, tôi….sẽ bị… mập như là cậu ta sao?

Lạy tổ tông ông bà ông vải cứu mạng con. Thì ra tên Sumô không phải tự dưng mới phát tướng ra như vậy. Hẳn là trước đây hắn đã xơi loại thuốc này rồi. Đó là lý do tại sao hai anh em song sinh nhưng một người thì rắn rỏi thon thả, còn một người lại mập như thùng phuy. Tôi tưởng tượng mình trong cảnh cân nặng hơn tạ, chẳng khác gì con heo, bị mọi người cười chê, bạn bè xa lánh, đau khổ tới mức không thốt nên lời, chỉ ngồi đó trợn mắt há miệng.
Lúc này, lần đầu tiên từ khi tên Sếu tới đây, tôi thấy hắn phì ra cười. Dường như cười một tiếng chưa đã, hắn còn ôm bụng cười ha ha ha không ngừng. Hắn ngồi bò luôn ra sàn, sau đó chỉ vào ông anh đang mặt đỏ tía tai, vừa cười vừa nói.

-Cô ấy tưởng anh uống thuốc nên mới bị phình ra như thế. A ha ha ha……….

Sumô bực bội đá đá vào thân hình đứa em đang lăn lê dưới sàn nhà, miệng lẩm bẩm.

-Im đi, cười cái gì.

Tôi lau vài giọt nước đang chuẩn bị tràn ra khỏi mắt, hoài nghi nhìn tên Sếu kỳ dị.

-Không phải vậy, thì thế nào?

-Nói đơn giản là khung xương cùng các mô tế bào trong cơ thể cậu sẽ tăng trưởng, cậu sẽ như là dậy thì thêm một lần nữa vậy.

Tôi mười tám tuổi. Từ hồi lớp mười đã ngừng cao lên, dù có cố gắng bao nhiêu thì mỗi khi đo khám sức khoẻ, vạch chiều cao luôn dừng lại ở con số 153cm. Nói ngoài lề một tý vòng một cũng dừng lại ở con số 79 khiêm tốn. Tuy người ta nói số 79 là số thần tài, lấy biển số xe hay số điện thoại toàn chọn số này nhưng tôi thì thấy như thế quả thực không hài lòng cho lắm. Con gái có ai mà chê ngực to cơ chứ.

Bây giờ đột nhiên có người nói với tôi rằng, tôi sẽ dậy thì một lần nữa, đồng nghĩa với việc sẽ cao thêm và sẽ phát triển thêm. Oái trời ơi, đúng là nằm mơ cũng không thấy. Từ sự lo lắng ban đầu, giờ tác dụng phụ của thuốc đã khiến tôi nhói lên niềm hy vọng mãnh liệt.

Tên Sếu nhìn khuôn mặt rực sáng của tôi, như đoán ra được những ý nghĩ mờ ám ở trong đó, bèn đính chính luôn.

-Nhưng tác dụng phụ của Teteasophie chỉ xuất hiện dưới tác động của enzym alicofic. Thời đại tôi enzym này rất dễ có. Còn ở đây, việc chiết xuất alicofic chưa hề được tính tới.

Sumô đứng một bên lầm bầm:

-Đã không có chất xúc tác thì còn tức giận gì chứ.

-Tại sao không? Anh biết thừa việc sử dụng một loại thuốc chưa được đưa vào sử dụng có hậu quả như thế nào cơ mà, kể cả về mặt nhân sinh và mặt pháp lý.

Tên Sếu này hôm nay bỗng dưng nói nhiều đột xuất. Hắn còn lớn tiếng diễn giải một lô lốc quyền và nghĩa vụ của nhà nghiên cứu đồng thời là cổ đông của tập đoàn SophieAN, của người đến từ tương lai. Tôi đau cả đầu. Bây giờ chỉ ước gì mình sở hữu một tập đoàn dược phẩm khổng lồ. Nếu vậy chỉ ngay ngày mai thôi tôi sẽ ra lệnh cho cấp dưới chiết xuất cho tôi một trăm lọ enzym gì đó để sử dụng. Tôi tiu nghỉu lườm tên gầy.

-Vậy ngoài ra uống thuốc này không chết chứ gì?

Sumô đứng cạnh nín cười châm chọc:
-Sao không chết mà cái mặt cậu lại buồn rầu thế?

-Thuốc của dược phẩm SophieAN làm sao có thể gây chết người. Cậu nên biết hãng dược của chúng tôi là hãng lớn thứ ba trên toàn châu Á. Những tiến bộ y khoa mới nhất trên thế giới đều tập trung ở đây. Chính hãng chúng tôi chứ không phải ai khác là người chế tạo thành công vaccine miễn dịch đa virus đầu tiên trên thế giới.

Thấy tên Sếu hùng hổ giới thiệu, Sumô ngồi bên thấp giọng nhắc nhở.

-Ai từng nói rằng không được tiết lộ thông tin tương lai nhỉ?

Sếu lập tức im bặt, nhưng sau đó nghiêm khắc nhìn tôi và anh mình như thể cô giáo chủ nhiệm khó tính đang phán xét hai trò cá biệt.

-Tóm lại thuốc chưa qua kiểm định mà sử dụng trên người là phạm pháp. Đừng quên luật lệ sức khoẻ nghiêm khắc của WHO.

Chuyện cũng chẳng có gì để bàn thêm vì lọ thuốc đã bị Sếu giấu biến. Tôi buồn rầu đi ra khỏi gác xép, thầm đau buồn cho cái hy vọng vừa loé lên của mình đã bị dập tắt không thương tiếc.

Lúc này Sumô lại theo bén gót phía sau, kéo kéo nhẹ áo tôi. Tôi quay lại, thấy hắn cười cười bảo.

-Tối nay ăn đậu rồng với giá đỗ nhá.

Tôi tức giận trợn mắt nhìn cậu ta:

-Cậu bị ma đậu rồng ám à?

Giọng Sumô nghe rất nhỏ, như kiểu đang cố nói thầm:

-Nói cho biết nè, axit amin gốc T của đậu rồng kết hợp với vitamin K của giá đỗ, khi vào tới dạ dày dưới tác dụng của enzym amylaza và enzym pepsin sẽ chuyển hoá 55% thành enzym alicofic.

Tôi ngạc nhiên, giọng cũng chuyển sang thì thào.

-Là cái enzym gây ra tác dụng phụ kia.

-Đúng!

Chưa bao giờ tôi thấy cái mặt tròn như mặt trăng của tên Sumô lại dễ thương đến như thế.

-Thật không? Thế Sếu có biết không?

-Chuyên ngành của nó là vật lý lượng tử cơ mà. Kiến thức này nó không được dạy đâu.

-Oh yeah!

Mang trong lòng bí mật mới được hé lộ, tôi chế biến bữa ăn hàng ngày đều có hai nguyên liệu kỳ diệu mang tên đậu rồng và giá đỗ. Tất nhiên, để tránh gây ra nghi ngờ trong lòng ông em cáo già, tôi luôn mua thêm một số loại rau khác, phần đậu rồng và giá đỗ chủ yếu là tôi ăn. Dù sao ông tôi cũng từng uống loại thuốc đó, tôi nghĩ ông sẽ không hoan hỉ gì với việc bỗng nhiên lại dậy thì thêm một lần nữa dâu.

Đợt ấy về nhà thì bận rộn với thực đơn đậu rồng, song cứ mỗi lần đến lớp, nhìn thấy lớp trưởng là tôi lại nghĩ tới cảnh ngày mưa ấy, lòng chùng xuống một nỗi buồn không tên. Nó không phải là loại cảm giác tức giận hay bực bội đến điên cuồng, chỉ là một chút man mác khó chịu cứ râm ran mãi trong từng mạch máu, âm ỉ hết ngày này qua ngày khác.

Hoá ra cảm giác thích một người để rồi biết người ấy chưa bao giờ nghĩ về mình nó lại khiến bản thân trống trải đến vậy. Tôi để ý thấy bạn ấy nhét một phong bì thư màu tím nhạt vào mặt sau của cặp sách. Một ngày, hai ngày, … hoá ra ngày nào bạn ấy cũng có một bức thư như thế. Thi thoảng lớp trưởng quay qua hỏi tôi.

-Sương không khoẻ à?

Chắc trông thấy mặt tôi nhợt nhạt quá. Tôi chỉ lắc đầu cười trừ rồi cố tập trung vào công thức vận tốc con lắc đơn. Mùa đông đến và đi trong những ngày ăn đậu rồng, giá đỗ dài kỳ và những sáng sớm lạnh giá thi thoảng nhìn sang hot boy khối 12 như thế.
Một sáng tới lớp, bỗng nhiên cái Trân- đứa bạn thân nhất từ hồi cấp hai của tôi kéo tôi ra một góc hỏi nhỏ.

-Nghe nói trong nhà mày đang nuôi một hot boy.

Miếng sữa đậu nành vừa uống sặc ngay lên mũi, tôi cuống cuồng ho, sau đó mới trợn mắt nhìn nó.

-Cái gì á? Ai bảo thế?

-Hôm qua có đứa đi qua lò bánh mỳ, thấy một chàng đẹp trai như người mẫu trên tạp chí thời trang đang chất thùng lên xe cho mày. Bọn nó bảo, anh ý còn cao hơn anh Trung Byn một cái đầu.

Trung Byn chính là đội trưởng đội bóng rổ trường tôi. Đẹp trai thì cũng tương đối thôi, nhưng cái chất manly toả ra từ từng đường bóng và ánh mắt khiến nữ sinh cứ đổ ầm ầm. Vấn đề là đứa nào lại đi qua phố nhà tôi để thấy tôi đi giao bánh cơ chứ, giờ đó bọn lười trong lớp hãy còn chưa ngủ dậy, trời đã hết lạnh đâu. Tôi phẩy tay.

-Chắc bọn nó nhìn nhầm. Nhà tao lấy đâu ra trai đẹp. Có mỗi hai ông người làm dị hợm.

Cái Trân gật gù.

-Ừ, mà người mẫu thời trang nào lại đi làm trong lò bánh mỳ cơ chứ.

Tôi gật đầu như giã tỏi.

-Chính xác, chính xác.

Nhưng sau đó cái Trân quay ngoắt qua nhìn tôi mặt đầy âm mưu.

-Dù sao chiều nay tao vẫn phải chạy qua xem cho chắc.

-Botay!

Trân với tôi tuy là bạn thân, nhưng nhà nó lại ngược đường với nhà tôi, cách cả hơn năm cây số. Hồi trước đi học cấp hai ở trường gần bên ấy, tôi suốt ngày nhảy vào nhà nó ngủ trưa. Nhưng nó thì rất ít khi tới nhà tôi. Phần vì tiểu thư này ngại đạp xe, phần vì lò bánh mỳ nhà tôi cũng ở trong ngõ hẻm, nó thì mù đường, đi lần nào cũng lạc. Nhưng trông cái bộ dáng quyết tâm cao độ này thì chắc chiều này thế nào nó cũng phải đột nhập nhà tôi cho bằng được rồi.

Thế rồi buổi chiều nó tới thật, mà lại còn không lạc đường mới siêu. Nó nhảy vào nhà, chào ông tôi xong cái là bắt đầu đi trinh sát khắp mấy gian nhà. Nó nheo nheo mắt nhìn tôi.

-Hot boy đâu mày?

-Đã bảo là không có mà lại.

Share on Google Plus

About Chúc mừng năm mới 2020

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét